7 Phương Pháp Đào Tạo Phổ Biến Trong Doanh Nghiệp Hiện Nay

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những hoạt động rất quan trọng đối với một tổ chức. Đào tạo giúp cho người lao đông nâng cao được kiến thức, kỹ năng, tư duy của mình để có thể thích ứng với vị trí hiện tại và những thay đổi trong tương lai. Từ đó gia tăng hiệu suất và chất lượng công việc, giúp cho doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

blog hr 4

Tuy nhiên việc đảm bảo chương trình đào tạo đạt được thành công như mong muốn, nhà quản trị cần lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp với tính chất công việc của mỗi cá nhân/phòng ban và định hướng phát triển chung của toàn doanh nghiệp. Trong bài viết này, Modern HR sẽ tổng hợp 7 phương pháp đào tạo được sử dụng phổ biến hiện nay, cụ thể:

1. Đào tạo và phát triển trong công việc: Là hình thức đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc, trong đó người học sẽ tiếp thu được những kiến thức và kỹ năng cần thiết thông qua quá trình thực hiện công việc thực tế dưới sự hướng dẫn trực tiếp của những người lao động lành nghề hơn.

  • Phương pháp kèm cặp: thường được áp dụng để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người lao động vừa bắt đầu công việc. Thực chất của kèm cặp là đào tạo theo kiểu chỉ dẫn, người chỉ dẫn giải thích mục tiêu và cách thức thực hiện công việc, người học sẽ làm thử dưới sự hướng dẫn đó cho đến khi thành thạo.
  • Phương pháp luân chuyển công việc: là hình thức bố trí người lao động đảm trách lần lượt các nhiệm vụ khác nhau trong một luồng công việc. Đào tạo theo cách này cho phép người lao động có cơ hội học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và hiểu sâu hơn về cơ cấu tổ chức của đơn vị. Điều này cũng giúp cho các cán bộ quản lý tiềm năng trong tương lai có được cơ sở kiến thức và kinh nghiệm phong phú, vững vàng.
  • Phương pháp tập sự: đây thường là cách đào tạo cán bộ quản lý. Sau quá trình làm việc và tích lũy kiến thức và kinh nghiệm vững vàng, những người lao động thực sự tiềm năng cho các vị trí cao hơn được tạo điều kiện để thử sức dưới hình thức “quản lý tập sự”.

2. Đào tạo và phát triển ngoài công việc: Là hình thức đào tạo trong đó người học được tách khỏi công việc thực tế và tiếp thu kiến thức và kỹ năng thông qua việc tham gia lớp học bài bản.

  • Phương pháp mở lớp cạnh doanh nghiệp: là hình thức đào tạo dựa trên cơ sở vật chất sẵn có của đơn vị, có nghĩa lớp học sẽ được tổ chức ngay tại doanh nghiệp. Chương trình giảng dạy thường gồm hai phần: phần lý thuyết được giảng trên lớp bởi các kỹ sư, cán bộ kỹ sư hay công nhân lành nghề; còn phần thực hành diễn ra tại xưởng thực tập hay xưởng sản xuất.
  • Tổ chức trình bày bài giảng, thảo luận, hội nghị ngắn ngày: quá trình đào tạo có thể được tổ chức tại doanh nghiệp hoặc ở một không gian bên ngoài doanh nghiệp. Trong các buổi thảo luận, học viên sẽ thảo luận theo từng chủ đề dưới sự hướng dẫn của người lãnh đạo nhóm, thông qua đó họ học được các kiến thức và kinh nghiệm cần thiết.
  • Gửi học viên tới các trường đào tạo chính quy: doanh nghiệp cũng có thể cử người lao động đến học tập ở các trường dạy nghề hoặc học viện quản lý do các bộ, ngành hoặc do trung ương tổ chức. Trong phương pháp này, người học sẽ được trang bị tương đối đầy đủ cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành. Tuy nhiên phương pháp này tốn nhiều thời gian và kinh phí đào tạo.
  • Đào tạo từ xa (có sự trợ giúp của máy tính): là phương thức đào tạo mà giữa người dạy và người học không trực tiếp gặp nhau tại một địa điểm và cùng thời gian mà thông qua phương tiện nghe nhìn trung gian. Phương tiện trung gian này có thể là sách, tài liệu học tập, băng hình, băng tiếng, đĩa CD và VCD, Internet (Video-Conferencing). Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin và các phương tiện trung gian, hình thức đào tạo này ngày càng được áp dụng phổ biến hơn.